Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt Nam đều bày mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên và cầu mong một năm mới vạn sự như ý.
Trong tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt, bàn thờ ngày Tết nhất định phải có mâm ngũ quả. Không chỉ thể hiện niềm tin, sự tôn kính của con cháu đến ông bà và tổ tiên, mâm ngũ quả còn là sự gửi gắm ước nguyện một năm mới đủ đầy, hạnh phúc.
Mâm ngũ quả đặc trưng của người miền Nam (Ảnh: Internet)
Khác với người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành, người dân Nam Bộ có phần “kỹ tính” hơn trong việc lựa chọn những loại quả để bày trong mâm ngũ quả cúng gia tiên. Đa số người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.
Ý nghĩa của các loại quả
Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.
Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.
Dừa có âm tương tự như là “vừa” có nghĩa là không thiếu
Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt như:
Chuối có nghĩa là chúi nhủi, làm ăn không phất lên được. Hay lê, táo (bom) là lê lết, đổ bể, dễ thất bại.
Là một trong những nét văn hóa ẩm thực miền Nam, Mâm ngũ quả nơi đây thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh của chính con người nơi đây. Mỗi người một cuộc sống và mong muốn khác nhau, họ không đòi hỏi quá nhiều, chỉ cần vừa đủ là được. Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khanh, thịnh vượng, hạnh phúc và đủ đầy.
Ngày nay, có rất nhiều cách để bày một mâm ngũ quả sao cho thật đẹp mắt. Đặc biệt, mỗi vùng lại có những loại quả và cách bày trí đặc trưng cho từng vùng miền của mình. Nhưng theo nhiều nghiên cứu, quả bày trên mâm ngũ quả tốt nhất là hái vườn, tinh khiết và tươi ngon, đồng thời dâng lên tổ tiên thành quả lao động, không nên quá cầu kỳ và tốn kém. Mong rằng với các thông tin trên, bạn sẽ có cách để bày một mâm ngũ quả thật tươi ngon vào tết này nhé!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét